Mặc cho doanh số còn thấp, xe Trung Quốc vẫn ồ ạt đổ bộ thị trường Việt
Cuộc đổ bộ vào Việt Nam của các hãng xe Trung Quốc với giá thành cạnh tranh đang là bệ đỡ doanh số cho nhà phân phối nội địa.
Làn sóng ôtô Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam trong năm 2024 đang cung cấp một danh sách dày đặc ôtô các thương hiệu từ quốc gia tỷ dân, trải rộng ở nhiều phân khúc khác nhau.
Năm 2024 có thể xem là thời điểm thị trường xe Việt được chứng kiến làn sóng đổ bộ tiếp theo của ôtô Trung Quốc. Từ đầu năm, hàng loạt hãng xe từ đất nước tỷ dân đã và chuẩn bị ồ ạt tràn vào Việt Nam.
Có hãng sở hữu lịch sử khá dài tại Việt Nam, có hãng đang hiện diện nhưng kinh doanh mảng xe thương mại, một số hãng lại cho thấy sự cẩn trọng khi chấp nhận bỏ ra hàng năm trời để thăm dò thị trường trước khi chính thức tung ra sản phẩm.
Dù tiếp cận bằng cách nào, các hãng xe Trung Quốc đang dần lấp đầy thị trường Việt ở nhiều phân khúc.
Ôtô cỡ nhỏ
Chưa có mẫu xe xăng cỡ nhỏ thương hiệu Trung Quốc nào tại thị trường Việt Nam. Wuling Mini EV là xe điện đầu tiên ra mắt khách Việt trong phân khúc này.
Dù không phải là một mẫu xe quá thành công, Wuling Mini EV cũng đã mở đường cho phân khúc ôtô điện mini, mà VinFast VF 3 là cái tên mới nhất gia nhập.
Wuling Mini EV hiện có duy nhất phiên bản LV2 tại Việt Nam, giá bán 197-231 triệu đồng tùy phạm vi hoạt động tối đa.
Mới đây, đơn vị phân phối thương hiệu Wuling cũng vừa giới thiệu xe điện Wuling Bingo, "đàn anh" của Wuling Mini EV.
Khi ra mắt, Wuling Bingo định vị trong phân khúc hatchback/SUV cỡ A, cạnh tranh cùng Hyundai Grand i10, Toyota Wigo, Kia Morning, Kia Sonet, Toyota Raize, Hyundai Venue và VinFast VF 5.
Hiện, Wuling Bingo được mở bán đầu tiên với 2 phiên bản 333 và 410, giá tương ứng lần lượt 399 triệu và 469 triệu đồng. Hai phiên bản còn lại dự kiến đến tay khách Việt vào quý I/2025.
Nhóm sedan
Nhóm sedan tại Việt Nam có MG5, GAC Aion ES, MG7, BYD Seal và BYD Han là những đại diện Trung Quốc.
MG5 là cái tên quen mặt với khách Việt, có kích thước ngang sedan cỡ C nhưng giá bán 488 triệu và 528 triệu đồng cho 2 phiên bản là tương đương các xe cỡ B trong phân khúc như Toyota Vios, Hyundai Accent hay Honda City.
Phiên bản New MG5 được hãng xe thuộc tập đoàn SAIC Motor giới thiệu vào năm 2022, trang bị hộp số sàn kèm giá bán 399 triệu đồng, ngang ngửa các mẫu xe xăng cỡ A tại Việt Nam.
ES là sedan điện được hãng xe Aion thuộc tập đoàn GAC lựa chọn cho danh mục sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam. Aion ES có kích thước nằm giữa phân khúc C và D.
Khi ra mắt khách Việt, Aion ES có giá bán 788 triệu đồng. Mức giá tương đối cạnh tranh tại Việt Nam, nhưng khoang lái của Aion ES được cho là không mấy nổi bật.
BYD Seal và BYD Han là những mẫu sedan điện đang được hãng xe Trung Quốc bán cho khách Việt. BYD Seal ra mắt lần đầu hồi tháng 7, còn BYD Han vừa trình làng vào tháng trước.
BYD Seal có 2 phiên bản, giá bán lần lượt 1,119 tỷ đồng và 1,359 tỷ đồng. BYD Han nằm ở phân khúc cao hơn so với BYD Seal, chỉ có một phiên bản kèm giá bán 1,489 tỷ đồng.
MG7 là một trong những mẫu xe được giới thiệu gần đây. MG7 có tổng cộng 3 phiên bản tại Việt Nam, giá bán khởi điểm 738 triệu đồng và cao nhất 1,018 tỷ đồng.
Xe được định vị trong phân khúc sedan cỡ D, cạnh tranh Toyota Camry, BYD Seal cùng với Mazda6, Kia K5 và Honda Accord.
Các mẫu MPV
Phân khúc MPV đang khá phổ biến tại Việt Nam, với cái tên dẫn đầu là Mitsubishi Xpander cùng thành tích ngôi vương doanh số toàn thị trường hồi năm ngoái.
Gần đây, BYD trình làng MPV thuần điện M6 trước thềm triển lãm VMS 2024. Xe có giá 756 triệu đồng, cạnh tranh cùng Toyota Innova Cross, Hyundai Custin trong phân khúc MPV cỡ trung.
Hãng xe đồng hương GAC cũng giới thiệu một mẫu MPV cỡ trung tại triển lãm VMS 2024. GAC M6 Pro có 2 phiên bản, giá bán lần lượt 699 triệu và 799 triệu đồng.
Về phần mình, MG lần đầu giới thiệu một mẫu MPV đến khách hàng Việt Nam. MG G50 có kích thước trội hơn Toyota Innova Cross, BYD M6 nhưng ngắn hơn Hyundai Custin, GAC M6 Pro.
Hiện, giá bán chính thức của MG G50 chưa được công bố nhưng đại lý đã bắt đầu nhận cọc của khách hàng, đi cùng giá dự kiến từ 550 triệu đồng.
Ở nhóm MPV cỡ lớn, khách Việt đang có GAC M8 là đại diện Trung Quốc, được giới thiệu cùng lúc với một mẫu SUV tại lễ ra mắt thương hiệu GAC.
MPV Trung Quốc này cạnh tranh Kia Carnival, Volkswagen Viloran bằng tổng cộng 3 phiên bản, giá bán lần lượt 1,699 tỷ, 1,799 tỷ và 2,199 tỷ đồng.
Điểm nóng SUV đô thị
Chỉ tính riêng các mẫu xe có công bố doanh số, phân khúc SUV cỡ B ở Việt Nam đã có đến 8 cái tên từ các thương hiệu Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra, nhóm này còn có nhiều mẫu xe khác, bao gồm các thương hiệu Trung Quốc, nâng tổng số đại diện lên gần 20 xe.
Có thể nói SUV đô thị đang là một trong những "điểm nóng" của thị trường xe Việt và các hãng xe Trung Quốc tất nhiên không dễ bỏ qua.
Đại diện Trung Quốc quen mặt khách Việt nhất là MG ZS. SUV cỡ B của thương hiệu MG đã có mặt từ năm 2020, hiện gồm 2 phiên bản kèm giá bán lần lượt 518 triệu và 588 triệu đồng.
MG4 EV cũng là một mẫu SUV cỡ B nhưng trang bị động cơ thuần điện. Xe được bán ở Việt Nam với 2 phiên bản, giá lần lượt 828 triệu và 948 triệu đồng.
Lynk & Co 06 ra mắt khách Việt vào cuối tháng 6 với giá 729 triệu đồng. Sau đó vài tuần, đến lượt BYD Atto 3 trình làng thị trường Việt với 2 phiên bản, giá bán lần lượt 766 triệu và 886 triệu đồng.
Y Plus là một trong 2 mẫu xe đầu tiên được thương hiệu Aion chọn chào sân khách Việt. GAC Aion Y Plus sở hữu vẻ ngoài tương đồng MPV, kích thước tiệm cận nhóm SUV cỡ C kèm giá bán 888 triệu đồng.
Omoda C5 là đại diện Trung Quốc mới nhất gia nhập "điểm nóng" này. Xe được nhập khẩu ban đầu từ Indonesia, Malaysia với 2 phiên bản, giá bán lần lượt 589 triệu và 669 triệu đồng.
Sắp tới, thương hiệu Haval thuộc GWM cũng sẽ giới thiệu Haval Jolion, mẫu SUV cỡ B trang bị động cơ hybrid.
Đại lý cho biết Haval Jolion có 2 phiên bản, giá bán lần lượt 736 triệu và 779 triệu đồng, tuy nhiên hãng xe Trung Quốc chưa lên tiếng xác nhận thông tin này.
Nhóm SUV cỡ trung
Nhóm SUV cỡ trung tại Việt Nam có các đại diện Trung Quốc gồm MG HS, MG RX5 trong phân khúc SUV hạng C cùng với GAC GS8 trong phân khúc SUV cỡ D.
MG HS từng là một trong 3 sản phẩm đầu tiên của MG khi quay lại Việt Nam hồi năm 2020. SUV cỡ C này bị dừng bán vào năm 2022 nhưng cũng đã sớm quay trở lại. Hiện, MG HS có 2 phiên bản kèm giá bán lần lượt 699 triệu và 749 triệu đồng.
MG RX5 cũng là SUV cỡ C tương tự MG HS nhưng ra mắt muộn hơn, vào tháng 9/2023 với tổng cộng 2 phiên bản, giá bán lần lượt 739 triệu và 829 triệu đồng.
GAC GS8 là mẫu xe Trung Quốc duy nhất trong phân khúc SUV cỡ D, nơi Ford Everest chứng tỏ sức bán áp đảo còn Hyundai Santa Fe, Toyota Fortuner, Kia Sorento hay Mazda CX-8 đang nỗ lực phía sau.
GAC GS8 được giới thiệu đến khách Việt với tổng cộng 2 phiên bản, giá bán lần lượt 1,269 tỷ và 1,369 tỷ đồng.
Ngoài ra, phân khúc siêu xe cũng có một đại diện ôtô Trung Quốc là MG Cyberster. Tại VMS 2024, hãng xe thuộc tập đoàn SAIC công bố mở bán MG Cyberster giới hạn 100 xe cho khách Việt với giá 3,2 tỷ đồng.
Khó lập tức áp đảo xe Nhật, Hàn
Dù đa dạng các mẫu xe ở nhiều phân khúc khác nhau, ôtô Trung Quốc nhìn chung vẫn chưa thể ngay lập tức áp đảo các đại diện Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, trước tiên về số lượng.
Bài viết này đề cập đến hơn 20 mẫu xe của các thương hiệu Trung Quốc. Cộng với nhóm ôtô Dongfeng sắp ra mắt hay các hãng Zeekr và Geely sắp đổ bộ, lượng ôtô Trung Quốc tại Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 30 cái tên, vẫn còn tương đối nhỏ so với số lượng hơn 80 ôtô du lịch các thương hiệu Hàn, Nhật, Mỹ.
Điển hình ở phân khúc SUV cỡ B, những cái tên thuần xăng gồm Lynk & Co 06, MG ZS, Omoda C5 hay các mẫu xe điện như GAC Aion Y Plus, BYD Atto 3, MG4 EV vẫn còn khá "đơn độc" khi đặt cạnh số lượng lớn mẫu xe của các thương hiệu Hàn, Nhật lâu đời.
Số lượng chưa vượt trội, doanh số của xe Trung Quốc nhiều khả năng cũng chưa thể lập tức áp đảo thị trường Việt như đã làm được tại các quốc gia lân cận trong khu vực. Ở Việt Nam, xe Trung Quốc vẫn còn nhiều rào cản không dễ vượt qua, bao gồm giá trị thương hiệu, sự tin tưởng của khách hàng hay mức độ cam kết lâu dài.
Hiện, những thương hiệu Trung Quốc có mặt tại Việt Nam như MG, Lynk & Co hay GAC không thực hiện công bố doanh số thường kỳ. Chỉ duy nhất Wuling cho biết bán được 591 xe Wuling Mini EV cho khách Việt trong năm ngoái, tương đương 10,6% kế hoạch đề ra.
Số liệu đơn lẻ nói trên là chưa đủ để vẽ nên bức tranh tổng quan về mức độ phổ biến và đón nhận của khách hàng Việt với nhóm ôtô thương hiệu Trung Quốc.
Dù vậy, sự có mặt của các hãng xe Trung Quốc vẫn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh tại thị trường Việt Nam. Từ đó, giá bán có thể trở nên dễ tiếp cận hơn, còn chất lượng xe cũng ngày một nâng cao.
xe mới về
-
Kia Cerato 1.6 AT Luxury
485 triệu
-
Honda CRV L
799 triệu
-
Mercedes Benz C class C200
795 triệu
-
Mercedes Benz GLC 200
996 triệu
-
Audi Q7 2.0 AT
1.465 tỷ
-
MG ZS Comfort 1.5 AT 2WD
455 triệu
tin khác
- Toyota ra mắt tân binh cạnh tranh với Mazda CX-5
- Giá xe VinFast VF5 và KIA Sonet sau 1 năm lăn bánh tại Việt Nam
- KIA Việt Nam kích cầu giảm giá đồng loạt tháng cuối năm
- Nên mua Mitsubishi Xpander hay Suzuki XL7?
- Hyundai Creta 2022 bán lại giã ngỡ ngàng
- Lộ diện SUV điện của Kia chạy thử trên đường
- Chạy doanh số Hyundai Tucson mới giảm giá hàng chục triệu tại đại lý
- MG HS 2025 giá rẻ chuẩn bị về Việt Nam
- Danh sách xe đa dụng cỡ nhỏ đáng mua bậc nhất tại Việt Nam
- Những mẫu xe được giới thiệu tại Triển lãm Ô tô Việt Nam 2024